Saturday, December 13, 2014

ky nang can thiet cua nguoi lam xay dung


"     Thỉnh thoảng tôi có tham gia giảng dạy ở một số trường Đại học và một số khoá học chuyên môn. Nhờ những trải nghiệm thú vị này mà tôi có thêm được nhiều Đệ ( Đệ nhé, không phải đệ tử, vì tôi chưa đủ cơ để tự nhận mình là sư phụ). Các đệ hay hỏi tôi một câu rất thường, nhưng cũng rất khoai: “ Làm xây dựng cần có những yếu tố gì để thành công?”. Tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào cho phải, vì tôi cũng chưa phải nhân vật vĩ đại gì, vẫn là một tên lất bất nhiều hơn. Thôi thì liệt kê những cái mà tôi nghĩ dân “ xi măng cát sỏi” chúng ta cần biết, cần có. Cái này, đơn thuần chỉ là liệt kê, có cái tôi đã làm được, có cái chưa, nhưng đại loại là vậy.

  1. Phải biết đọc bản vẽ, lập dự toán, lập hồ sơ thầu: Cái này thì giống như làm bác sĩ phải biết dùng tai nghe, làm nông dân phải biết dùng cày cuốc vậy. Chưa vững  những cái này thì đừng nói đến chuyện “ hành nghề” làm gì. Mà những cái này, nhà trường chẳng dạy nhiều, nên  phải tìm hiểu thêm bên ngoài nhiều vào. Cái này thực là yêu cầu sống còn đối với người làm nghề xây dựng. Tôi đã từng gặp những bạn sinh viên có bảng điểm khá đẹp, nhưng loay hoay mãi với bộ hồ sơ thầu, không biết làm thế nào cho phải. Những tình huống như vậy, thật ko biết nên cười hay nên khóc nữa.
  2. Phải biết kỹ năng tin học cơ bản: sử dụng tốt các phần mềm, xử lý tốt các sự cố thường găp của máy tính, sử dụng tốt tin học văn phòng. Sẽ có đôi lúc, bạn chẳng ở công ty mà nhờ bộ phận văn phòng hay bộ phận IT giúp đỡ. Nhất là những bạn thường xuyên đi công trình thì việc kiêm nhiệm đa năng như vậy càng nhiều, càng phải rành rẽ.
  3. Phải biết tập trung cao độ trong công việc: Tôi thường đòi hỏi ở nhân viên tốc độ. Và không bao giờ chấp nhận kiểu làm việc cưỡi ngựa xem hoa. Có thể với tốc độ đó, anh sẽ có sai sót. Không sao, sai sẽ sửa. Nhưng không ai sửa nổi thái độ làm việc nửa vời, vừa làm vừa chơi được. Và tôi nghĩ ông sếp nào cũng vậy thôi, thích nhân viên làm 2 tiếng chơi 2 tiếng hơn là vừa làm vừa chơi trong 4 tiếng. Bạn cứ luyện sự tập trung và tốc độ đi, điều này sẽ giúp cho bạn rất nhiều.
  4. Phải biết nhậu: Phải biết. Biết nhậu nghĩa là phải uống được, phải biết được điểm dừng, phải kiểm soát được bản thân. Hầu hết các chữ ký được thực hiện trên bàn nhậu, nên chỉ cần anh thể hiện sai phong độ thôi là đã có thể kéo theo những sai lầm đáng tiếc rồi. Nếu anh không biết nhậu, chẳng ai phạt được anh, chẳng ai bắt được anh, nhưng chắc chắn anh sẽ gặp khó khăn hơn những người biết cầm ly “1,2,3 Dzô” một cách vui vẻ! Vì cái này mà tôi đã phải trả giá khá đắt, phải sử dụng men hỗ trợ tiêu hoá trong một thời gian dài.
  5. Phải có sức khoẻ: với những người đi công trình thì không nói làm gì rồi nhé. Thường xuyên sống trong môi trường thiếu thốn, thậm chí là nguy hiểm, nên sức khoẻ không đảm bảo thì chỉ có nước về nhà an dưỡng thôi. Nhưng những anh ít phải chạy đây chạy đó cũng phải chuẩn bị tinh thần cho những đợt cao điểm, có thể làm liên tục mấy ngày liền không ngủ, ăn bánh mì uống nước lọc trừ bữa. Bản thân tôi, giai đoạn cao điểm, đã từng kéo dài tình trạng ngủ 2 tiếng 1 ngày hàng tháng trời. Kiểu thư sinh mềm yếu, khó mà chịu được.
  6. Phải chịu được nhiệt: Một phần như lý do thứ 4. Một phần nữa là phải chịu được những tình huống phát sinh khác: công trình gặp sự cố, bản vẽ và hiện trạng không giống nhau, sự chồng chéo công việc giữa các bộ phận. Chịu nhiệt trong công việc không bằng một phần so với chịu nhiệt từ những tác động ngoài. Anh mà không tỉnh, không vững sẽ bị tẩu hoả nhập ma, sẽ tự đưa mình vào một mớ bòng bong ngay.
  7. Phải biết chửi: Nói một cách nghiêm túc đấy. Chửi làm sao cho nó sợ, nó phục mà nó ko thù dai. Chửi sao cho nó phải nghe mình mà không ấm ức. Chửi sao cho sau khi chửi vẫn kéo nhau đi nhậu được. Chửi sao cho nó chửi lại mình mà 2 thằng ko ghét nhau. Cả một nghệ thuật đấy. Phải biết tung hứng, biết mềm cứng đúng lúc, phải biết tạo kịch bản win- win vào phút cuối. Ấy mới là biết chửi. Với dân suốt ngày bê tông sỏi đá bản vẽ này không có dùng từ ngon ngọt dịu dàng được, phải đao búa mới chịu, mới khoái ( nhưng tôi cũng chưa được đến trình độ này, cũng đang tập chửi để lên level :D).
  8. Phải biết quan hệ: Ngành nào cũng cần, nhưng xây dựng thì đặc biệt cần. Anh sẽ không bao giờ tồn tại nổi nếu anh không có bạn bè, không có đồng nghiệp. Anh phải biết làm việc nhóm. Anh phải biết ngẩng đầu lên để học hỏi các bậc tiền bối. Anh phải cúi xuống để giúp đỡ đàn em. Anh phải biết bắt tay với các đồng nghiệp, đối tác để mở mang tầm hiểu biết. Cái nghề mà khó nhận định ai giỏi hơn ai này, anh biết càng nhiều thì công việc của anh càng được hỗ trợ nhiều. Nếu anh có cơ hội được tham gia một dự án từ lúc mới bắt đầu nhen nhóm đến khi kết thúc, anh sẽ hiểu tầm quan trọng của các “ cánh tay phụ” của mình. Cũng là một may mắn khi tôi có những bậc tiền bối luôn sẵn sàng chỉ bảo, có những người bạn đồng nghiệp luôn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ. Có lẽ đây là điều quý nhất tôi có được trong sự nghiệp của mình.
  9. Phải biết tự nghiên cứu: Cứ mỗi ngày không tìm hiểu, là một ngày mình bị tụt so với xu thế. Chưa nói gì xa xôi, riêng cái khoản cập nhật các thông tư, quy định mới của nhà nước về ngành cũng đã khiến anh hoạt động não bộ gần như hàng ngày rồi. Các công nghệ xây dựng mới, các phần mềm ứng dụng mới, các xu hướng mới... Chỉ cần một cái không biết, cũng có thể dẫn đến nguy cơ khi ngồi nói chuyện mà mình như đứa trên sao Hoả xuống, vì người ta nói đông nói tây mà mình chẳng hiểu gì sất.
  10. Phải biết chém gió: Lại nói về nói đông nói tây. Anh biết, nhưng anh không biết cách  nói, không biết cách dẫn dắt diễn đạt thì cũng hỏng. Cùng một vấn đề, nhưng cách nói khác nhau sẽ đưa đến những kết quả khác nhau. Cùng một vấn đề, cùng một cách giải quyết, nhưng đôi khi chủ đầu tư lại gật gù tán thưởng với anh A mà khăng khăng không chấp nhận anh B, ấy là vì “ cái miệng có gió” của anh A mạnh hơn anh B. Cái này phải luyện nhiều, thuyết trình nhiều, trình bày nhiều, phản biện nhiều, và như trên đã nói, đôi khi phải chửi nhiều :D
  11. Phải biết đặt mình vào vị trí người khác: Cái này là điều cần thiết để có thể đưa ra được yếu tố Win- win. Đôi khi cũng phải đứng phơi nắng phơi sương, cầm cái bay để hiểu cái cực của công nhân. Đôi khi cũng phải “ nghe chửi” từ chủ đầu tư để biết các sếp của mình áp lực thế nào. Đôi khi cũng phải chịu nghèo chịu khổ để biết cảm giác của cả đội khi bị chậm thanh toán. Và đôi khi cũng đặt mình vào trường hợp người khác để biết người ta sai sót chỗ nào mà chấn chỉnh – biết người biết ta ( cái này thì hơi phũ phàng).Nói chung, khi mình biết đặt mình vào vị trí người khác, mình sẽ hiểu hơn, sẽ biết thông cảm hơn, từ đó sẽ win- win một cách đơn giản mà vui vẻ hơn. Nguyên tắc này luôn đúng, trong mọi trường hợp.
  12. Phải biết chơi thể thao: Không chỉ để rèn luyện thân thể, mà đây còn là một cách để xả xì trét, hơn nữa còn làn một kênh để kết nối với nhiều người. Sau một ngày bù đầu với bản vẽ hoa cả mắt, kéo nhau đi làm một trận đá bóng, một chầu tennis. Đó cũng là một cơ hội để đồng nghiệp gần gũi với nhau hơn, sếp gần với nhân viên hơn.( Nhân tiện, có bạn nào tư vấn cho tôi môn thể thao nào hợp với người béo phì, cận thị như tôi không, chỉ với)
  13. Phải biết hưởng thụ: Làm việc trong môi trường áp lực như vậy, nếu anh không biết hưởng thụ cuộc sống, anh sẽ khó có được trạng thái cân bằng. Đây cũng là vấn đề thường gặp của dân trong nghề: “ không cân bằng được công việc và cuộc sống”. Lâu lâu tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa với gia đình, học một môn nghệ thuật nào đó( nhiếp ảnh chẳng hạn). Cuộc sống sẽ “ dễ thở” hơn nhiều khi mình biết “ quẳng gánh lo đi và vui sống”.
  14. Phải biết chấp nhận thất bại: Thất bại nhỏ là khi bản vẽ bị gạch te tua be bét. Thất bại vừa là khi rớt hợp đồng. Thất bại lớn là khi..( thôi cái này không nói đâu). Còn nhiều các thể loại thất bại nữa. Nhưng đã làm nghề xây dựng, anh phải biết chấp nhận điều đó. Mỗi khi gặp thất bại, hãy nghĩ đến quy luật được- mất. Và có một bí mật nhỏ, bạn gặp thất bại càng sớm, thì bạn thành công càng sớm. Và những thất bại bạn gặp khi còn trẻ tuổi sẽ dễ vượt qua hơn là khi bạn đã nhiều năm tuổi nghề rồi mới gặp. Bắt đầu sự nghiệp riêng lúc 23 tuổi, không biết bao nhiêu lần bầm dập, bao nhiêu lần te tua từ “cõi ấy” trở về, để đến giờ tôi có cái nhìn hoàn toàn khác về những khó khăn.Vậy nên, đừng ngại thử thách, đừng vì 1 thất bại nhỏ mà nản. Bạn đang gặp may đấy, vì bạn gặp chúng sớm hơn, sau này bạn sẽ không bao giờ gặp lại nữa.
  15. Phải biết đam mê: Trong cái thế giới khô khan của ngành xây dựng, nếu anh không đủ lửa để giữ đam mê với nghề, nhiều khả năng anh sẽ bị out, hoặc là tự out. Nhiều người sau một thời gian theo đuổi đã rẽ sang nghề khác là vậy. Áp lực, vất vả, bị nhiều yếu tố chi phối là đây. Nên nếu như anh cứ mãi sống xoàng xoàng, cứ mãi dật dờ, thì không sớm thì muộn anh sẽ cảm thấy như mình đã chọn nhầm nghề!
  16. ...
  17. ....
  18. ....
Còn nhiều cái phải nữa. Nhưng nói nhiều thành ra lại là đứa đi dạy đời, và chắc chắn khi đọc cái này sẽ có nhiều người nói tôi xúi dại :D, vì có những cái “ phải biết” sao mà tào lao bí đao quá. Thôi tào lao vài dòng vậy đã, ai thấy kiếm được chút gì hay thì cứ thế mà dùng. Thằng bạn ới đi làm vài chai để luyện công rồi :D. Nếu các bạn hứng thú thì Version 2 sẽ nói thêm :D."
Nguồn: Nguyễn Tiến Toàn – CTSC - 
KIẾN THỨC LÀ VÔ TẬN HÃY LIKE VÀ CHIA SẼ NHÉ CÁC BẠN - CHÂN THÀNH CẢM ƠN
Like Page để cập nhập nhiều tài liệu hơn các bạn nhé và đừng quên like nếu thấy hay
Cùng thảo luận và học hỏi

0 nhận xét:

 

Nh?n xét m?i!

Loading
X