Đi ăn uống, mua sắm khách hàng không lấy hóa đơn VAT, đơn vị bán cố tình lờ nghĩa vụ xuất hóa đơn cho khách, tình trạng này đang trở nên phổ biến không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại mà còn khiến Nhà nước thất thu thuế. Đây là thực trạng mà nhiều chuyên gia cho rằng, muốn thay đổi phải xuất phát từ chính người tiêu dùng.
Thuế giá trị gia tăng và thói quen người tiêu dùngMỗi cá nhân chúng ta đang trực tiếp hoặc gián tiếp không làm nghĩa vụ thuế. Đây là vấn đề tưởng chừng như có cái gì đó rất phức tạp nhưng hóa ra lại rất đơn giản. Đơn giản là ở chỗ chính chúng ta đang hàng ngày không làm nghĩa vụ thuế mà chúng ta không hề biết hoặc biết nhưng cố tình trốn tránh trách nhiệm nộp thuế. Nhà nước vì thế đã thất thu một khoản thuế khổng lồ.
Chắc chắn rằng nhiều người dân khi đi ăn uống, đi mua đồ dùng hay nói chung là bất kỳ một giao dịch nào đó có thanh toán thì đều không yêu cầu có hóa đơn. Chúng ta luôn coi hóa đơn là cái gì đó rất phức tạp, vì có hóa đơn chúng ta sẽ phải nộp thêm 10% thuế VAT, hoặc muốn có hóa đơn thì phải chờ người bán xuất hóa đơn dẫn đến mất thời gian và không cần thiết.
Bữa ăn trưa cho dân công sở thường được lựa chọn với tiêu chí ngon và phải rẻ. Do ngày nào cũng phải ăn nên thực khách rất chú ý tới giá tiền phải trả. Tuy nhiên, 10% số tiền này là thuế giá trị gia tăng thì lại chẳng ai thấy cần thiết. Chị Trần Thị Minh Thu (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Thường thì những bữa ăn nhỏ hay những buổi chiêu đãi bạn bè thì mình không quan tâm tới hóa đơn, bởi tiền túi mình bỏ ra để mời mọi người thì lấy về làm gì, có thanh toán với ai đâu, trong khi đó nếu lấy hóa đơn lại mất thêm 10% VAT nữa”.
Một chủ nhà hàng tại quận Hà Đông cho biết: “Thực khách ít khi đòi hỏi hóa đơn mà người ta chỉ cần lấy hóa đơn tự in thôi, để về người ta thanh toán với nhau khi một người đứng lên thanh toán”. Chị Kiều Thị Lương (nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Chỉ khi đi làm những việc của cơ quan, mua những vật dụng của cơ quan hay các chi phí gì liên quan đến việc công thì chúng tôi mới yêu cầu để lấy hóa đơn tài chính còn thông thường những chi phí cá nhân có những lúc nhớ ra thì hỏi thôi và nếu hỏi họ không đưa ngay thì mình cũng không để tâm nhiều đến chuyện ấy".
Ngay cả những số tiền lớn hơn nhiều lần một bữa ăn thì nếu không phải bắt buộc thì khách hàng cũng không yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Tại một cây xăng ở Hà Nội, anh Kiều Xuân Đường (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, nhiều lúc vội nên đổ xăng xe xong thì đi thôi, đợi lấy được cái hóa đơn cũng mất thời gian và cũng chẳng để làm gì. Còn anh Nguyễn Hải Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cho rằng: “Xe riêng nhà mình, mình đổ bao nhiêu tiền thì cũng là tiền túi mình bỏ ra, có thanh toán với cơ quan được đâu mà lấy về làm gì”.
Anh Nguyễn Văn Hưởng (lái taxi) lý giải cho việc không lấy hóa đơn của mình: “Trước đây, khi lái cho các hãng taxi thì khi đổ xăng em bắt buộc phải chờ lấy hóa đơn để về thanh toán với Cty. Bây giờ em lái thuê cho thằng bạn, ăn chia 50-50, khi giao xe cho bạn thì em đổ đấy bình xăng và khi nhận xe thì bạn em cũng đổ đầy bình. Như vậy thì lấy hóa đơn làm gì”.
Không lấy hóa đơn VAT, khách hàng vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Ảnh: Khánh Phong
Muốn thay đổi phải xuất phát từ chính người tiêu dùngTheo quy định của Nhà nước thì với những dịch vụ hay hàng hóa có giá trị trên 200 nghìn đồng thì bên bán bắt buộc phải lập hóa đơn giá trị gia tăng dù khách hàng không yêu cầu. Tuy nhiên với thói quen không lấy hóa đơn giá trị gia tăng của đại đa số người dân thì khách hàng có thể gián tiếp tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế nếu doanh nghiệp không tự giác kê khai.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết: "Tại sao người tiêu dùng không lấy hóa đơn, tôi nghĩ có 2 khả năng, một là có thể do sơ suất và thứ hai là để tránh mất thêm một khoản tiền thuế giá trị gia tăng và đây tôi cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là rất nhiều người tiêu dùng khi mua hàng hóa thì không lấy hóa đơn".
Theo ông Đặng Duy Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), có thể nói hóa đơn là căn cứ, là chứng từ ban đầu rất quan trọng để giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh làm cơ sở hạch toán kế toán và kê khai nộp thuế. Với vị trí và vai trò quan trọng như vậy thì Chính phủ đã có Nghị định 51 năm 2010, Nghị định 04 năm 2014 và Bộ Tài chính đã có Thông tư 39 năm 2014, quy định về chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn.
Theo quy định, tất cả các trường hợp bán hàng đều phải xuất hóa đơn, kể cả trường hợp cho, bán, tặng hàng hóa, trả lương, trả thưởng bằng sản phẩm cũng phải xuất hóa đơn. Tuy nhiên, theo quy định đối với các trường hợp xuất hóa đơn một lần dưới 200 nghìn đồng thì không phải xuất hóa đơn. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không xuất hóa đơn thì cơ sở kinh doanh không phải kê khai nộp thuế. Mà cuối ngày cơ sở kinh doanh phải thống kê lại, lập bản kê tổng thể toàn bộ những trường hợp hóa đơn lẻ dưới 200 nghìn đồng và chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Theo quy định như vậy có nghĩa rằng, việc lập hóa đơn hay không lập hóa đơn thì đều phải kê khai nộp thuế.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay thì người mua hàng, sử dụng hàng hóa dịch vụ chưa quen lấy hóa đơn kể cả trên giá trị 200 nghìn đồng hay dưới 200 nghìn đồng. Từ việc đó thì có một số cơ sở kinh doanh sẽ lợi dụng cái sơ hở, thói quen của người mua hàng khi không lấy hóa đơn dẫn đến việc vô tình người mua hàng đã tiếp tay, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh khai man, trốn lậu thuế.
Trên thực tế, nếu người mua hàng mà không lấy hóa đơn thì Nhà nước sẽ mất đi 10% VAT nếu như cơ sở kinh doanh không tự giác lập bảng kê để nộp thuế. Do vậy, vai trò của người mua hàng rất quan trọng trong việc giúp Nhà nước giám sát được việc người bán hàng có nộp thuế đầy đủ hay không bằng cách là lấy hóa đơn.
Trả lời cho câu hỏi, một trong những lý do nhiều người không muốn lấy hóa đơn là 10% VAT. Liệu khi những người bán hàng bán sản phẩm ra mà không xuất hóa đơn thì họ đã cộng 10% VAT của người mua vào đó chưa? Ông Đặng Duy Khanh cho biết, theo quy định thì thuế giá trị gia tăng có hai phương pháp thu: nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế trực tiếp. Đối với các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì tính bằng thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Còn đối với các hộ kinh doanh mà nộp thuế theo quy định là nộp thuế khoán thì thu theo phương pháp trực tiếp, trong đó xác định tỷ lệ giá trị gia tăng, thuế suất và tỷ lệ ấn định.
Muốn công tác quản lý thuế và nhất là công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc xuất hóa đơn được tốt, chống thất thoát thuế, ngoài vai trò và những nỗ lực, cố gắng của ngành thuế thì vị trí vai trò của người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Bởi việc lấy hóa đơn khi mua hàng ngoài việc giúp cho Nhà nước giám sát người bán hàng có nộp thuế đầy đủ hay không thì người mua hàng còn được hưởng một số quyền lợi như người mua hàng sẽ được xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng và khi có khiếu nại về chất lượng hàng hóa thì có thể được quyền khiếu nại và đảm bảo chế độ bảo hành. Giải pháp cho tình trạng này phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức từ chính người tiêu dùng. Cần phải tạo thói quen yêu cầu đơn vị bán xuất hóa đơn đúng quy định, như vậy, người tiêu dùng đã góp phần rất lớn ngăn chặn việc các doanh nghiệp gian lận thuế gây thất thu cho nhà nước.
Ngày 14-5-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn trong kinh doanh, trong đó cho phép doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh được in hóa đơn và tự chịu trách nhiệm thay vì buộc phải mua "hóa đơn đỏ" của cơ quan tài chính. Nghị định 51 cũng quy định các mua bán giao dịch có giá trị trên 200.000 đồng thì doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho người mua và trong hóa đơn đó đã có 10% thuế giá trị gia tăng (VAT), nghĩa là bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không được cộng thêm 10% VAT khi viết hóa đơn.
Nếu hay thì Hãy like và chia sẻ nhé các bạn...Nếu có bất kỳ câu hỏi hay cảm nhận nào bạn hãy comment bên dưới bài viết này nhé. Cảm ơn bạn đã ghé thăm website
0 nhận xét:
Post a Comment